Hăm da là một tình trạng phổ biến gặp ở cả trẻ em và người lớn, gây ra cảm giác khó chịu, đau rát và kích ứng da. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu, cách xử trí và phòng ngừa hăm da nhé!
1Bệnh hăm da là gì?
Hăm da là một tình trạng da bị tổn thương hoặc kích ứng do các yếu tố bên ngoài như hơi ẩm, ma sát, vi khuẩn, chất kích thích.
Tình trạng này thường xảy ra khi da bị mồ hôi nhiều hoặc tiếp xúc với môi trường ẩm ướt trong thời gian dài. Hăm da gây ngứa, đỏ, sưng và có thể gây ra vết loét hoặc nứt nẻ trên da.
Hăm da thường xuất hiện ở các vùng da có nếp gấp như vùng bẹn, háng, nách, cổ, kẽ ngón tay, ngón chân.
Đây là những vị trí hay ra nhiều mồ hôi và khó vệ sinh nên dễ tạo môi trường cho vi khuẩn hình thành và phát triển.
Theo các nghiên cứu, những người có cơ địa yếu và hệ miễn dịch kém, đặc biệt là trẻ em, người bị tiểu đường hoặc béo phì có nguy cơ bị hăm da cao hơn.
Hăm da là tình trạng da bị kích ứng, nổi mẩn đỏ tại vùng da có nếp gấp
2Nguyên nhân gây hăm da
Các nguyên nhân phổ biến gây hăm da bao gồm:
- Độ ẩm và mồ hôi: Môi trường ẩm ướt, độ ẩm cao hay da đổ mồ hôi nhiều hoặc tiếp xúc với phân, nước tiểu quá lâu, là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có hại phát triển và gây hăm da.
- Thiếu sự lưu thông không khí: Mặc quần áo, giày dép không thông thoáng, dễ tích tụ mồ hôi trên da, tạo môi trường ẩm ướt - thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và kích thích da.
- Ma sát: Tiếp xúc hay cọ xát liên tục với quần áo, tã, đồ lót có thể làm tổn thương da và gây hăm da.
- Chất kích thích: Sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân như xà bông, kem cạo râu hoặc hóa chất tẩy rửa chứa chất kích thích mạnh có thể gây kích ứng và gây hăm da.
- Vi khuẩn và nấm: Một số vi khuẩn hay nấm sinh sống trên da có thể gây kích ứng và hình thành phản ứng viêm, dẫn đến hăm da.
Vùng bẹn của trẻ sơ sinh dễ bị hăm vì thường xuyên bị tích tụ mồ hôi và bị cọ xát bởi bỉm tã
3Các yếu tố nguy cơ gây hăm da
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây hăm da, bao gồm:
- Vệ sinh không đúng cách: Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, những vùng da nhạy cảm như bộ phận sinh dục dễ bị hăm, nhiễm vi sinh vật và ngứa rát.
- Cơ địa yếu và hệ miễn dịch kém: Người suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh, tiểu đường hoặc béo phì dễ bị hăm da do khả năng chống lại các tác nhân gây hại yếu.
- Dùng nẹp, thanh nẹp hoặc chi giả: Các thiết bị hỗ trợ này thường không thoáng khí và gây tích tụ mồ hôi.
- Môi trường ô nhiễm: Khói bụi hay nước bẩn làm tăng nguy cơ hăm da nhiễm trùng.
- Bệnh về da: Chẳng hạn như bệnh vảy nến có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh hăm da.
Vệ sinh không đúng cách làm tăng nguy cơ mắc bệnh da liễu bao gồm cả hăm da
4Triệu chứng hăm da
Hăm da ở trẻ em
Triệu chứng hăm da ở trẻ em có thể bao gồm:
- Phát ban, da nổi các mảng đỏ hoặc sần sùi.
- Da bị viêm (sưng, nóng, đỏ), có vết loét hoặc có vảy khô.
- Đốm, mụn nhọt hoặc mụn nước.
- Có mùi hôi khó chịu.
- Trẻ thường gãi vùng da bị hăm.
- Khó chịu và quấy khóc, đặc biệt là khi thay tã.
Các triệu chứng trên da thường xuất hiện ở vùng mông của bé hoặc toàn bộ vùng mặc tã (hông, mông, đùi và bộ phận sinh dục). Ngoài ra còn thấy ở nếp nhăn vùng cổ, nách, kẽ ngón tay, ngón chân, vùng da có nếp gấp.[1] [2]
Hăm da ở người lớn
Triệu chứng hăm da ở người lớn gần tương tự như trẻ em, bao gồm:
- Da hồng khô (trường hợp phát ban nhẹ).
- Mụn nước nhỏ, rát, ngứa, thô ráp.
- Da bị kích ứng, bị viêm (sưng, đau, nóng, đỏ).
- Có mùi thối.
Hăm da ở người lớn thường xuất hiện ở vùng nách, dưới vú, ngấn bụng, vùng bẹn, bộ phận sinh dục, phía trong đùi, giữa mông, giữa các ngón chân. [3]
Người lớn thường bị hăm da ở vùng tiết mồ hôi nhiều như cổ, nách, kẽ ngón chân,...
5Chẩn đoán hăm da
Hăm da là một loại viêm da phổ biến và dễ dàng nhận biết. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua các triệu chứng, biểu hiện lâm sàng, cùng một vài câu hỏi liên quan đến vấn đề vệ sinh cá nhân.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu một vài xét nghiệm sau đây để xác định rõ nguyên nhân gây hăm:
- Vi sinh: Cạo một phần da để nuôi cấy, soi và xác định loại vi khuẩn gây bệnh.
- Vi nấm: Cạo da để nuôi cấy và soi vi nấm.
- Sinh thiết da: Làm mô bệnh học trong tình trạng da bất thường hoặc không đáp ứng với điều trị.
Bệnh hăm da thường được chẩn đoán dễ dàng thông qua các triệu chứng lâm sàng
6Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Hăm da có thể tự điều trị tại nhà khi các triệu chứng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài, tái phát hoặc nặng hơn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
Các dấu hiệu đáng chú ý:
- Phát ban kèm theo sốt.
- Phát ban nghiêm trọng, bất thường và không cải thiện sau 3 ngày.
- Phát ban ngứa, chảy máu hoặc chảy nước.
- Phát ban gây nóng rát hoặc đau khi đi tiểu hoặc đại tiện. [4] [5]
Nơi khám chữa bệnh da liễu uy tín
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Da liễu. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Trưng Vương.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Da Liễu Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương.
7Điều trị hăm da ở trẻ em
Cách chăm sóc da
Khi chăm sóc hăm da ở trẻ em, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
- Thay tã thường xuyên: Đảm bảo thay tã cho trẻ ngay khi tã ướt hoặc bẩn.
- Vệ sinh da sạch sẽ: Sử dụng nước ấm và khăn bông để rửa nhẹ nhàng, tránh cọ xát quá mạnh vào da nhạy cảm của trẻ. Lau khô trước khi mặc tã mới.
- Đảm bảo thông thoáng, tránh cọ xát: Chọn loại tã và quần áo có chất liệu mềm mịn, thoáng khí, vừa vặn, không bị chật.
- Kiểm tra lại thành phần tã: Đôi khi, trẻ có thể phản ứng với các chất hoá học hoặc chất liệu vải của tã.
- Nên giảm tối đa thời gian mặc bỉm để không gây bí bách cho bé. [6]
Trẻ cần được thay tã thường xuyên để tránh tạo môi trường ẩm ướt cho vi khuẩn phát triển gây hăm da
Kem trị hăm
Một số sản phẩm kem trị hăm được chuyên gia khuyến cáo sử dụng cho trẻ bị hăm, bao gồm:
- Kem hydrocortisone (steroid) nhẹ (0,5% - 1%) hai lần một ngày trong 3 - 5 ngày.
- Kem chống nấm, nếu trẻ bị nhiễm nấm.
Lưu ý:
- Chọn loại kem chống hăm da hoặc kem chống nứt da dành riêng cho trẻ em.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ liều lượng được chỉ định.
- Tránh các thành phần gây hại cho trẻ như muối nở, axit boric, long não, phenol, benzocaine, diphenhydramine hoặc salicylate. [6]
8Điều trị hăm da ở người lớn
Khi da bị hăm ở người lớn, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để chăm sóc và làm dịu tình trạng da:
- Mặc quần áo, đồ lót mềm mịn, thoáng khí.
- Vệ sinh sạch sẽ, tránh kỳ cọ mạnh.
- Hạn chế tiếp xúc với chất gây kích ứng như hóa chất, mỹ phẩm, chất tẩy rửa.
Bên cạnh đó, bạn nên dùng thêm một số loại thuốc trị hăm như:
- Thuốc kháng sinh tại chỗ cho hăm da do nhiễm khuẩn: Kem axit fusidic, thuốc mỡ mupirocin - sử dụng 2-3 lần/ngày trong 7-10 ngày. Ngoài ra, có thể kết hợp với thuốc kháng sinh uống như flucloxacillin và erythromycin.
- Thuốc chống nấm tại chỗ cho hăm da nhiễm nấm: Kem clotrimazole, terbinafine, imidazole, nystatin, ciclopirox,… - sử dụng 7-10 ngày.
- Kem bôi steroid tại chỗ loại nhẹ: Hydrocortisone thường dùng trong các bệnh viêm da.
- Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc mỡ tacrolimus hoặc kem pimecrolimus có hiệu quả với hăm da tại các nếp gấp.
- Kẽm oxit có thể được sử dụng cho viêm da khăn ăn hoặc viêm da tiếp xúc do kích ứng không kiểm soát. [7] [8]
9Phòng ngừa hăm da
Để phòng ngừa hăm da, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày bằng sữa tắm, xà phòng.
- Đảm bảo da luôn được khô ráo, thoáng khí.
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất gây dị ứng, kích ứng da.
- Uống đủ nước và ăn uống lành mạnh để duy trì làn da khỏe mạnh.
- Massage chăm sóc da hàng ngày bằng các hoạt chất tự nhiên như nha đam, dưa chuột, cà chua.
- Khám bác sĩ ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường trên da.
Bài viết vừa rồi mang đến các thông tin về bệnh hăm da bao gồm nguyên nhân, dấu hiệu, cách xử trí và phòng ngừa. Hy vọng thông tin này hữu ích với bạn, hãy chia sẻ để mọi người cùng có thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé!